CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 19/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2015

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết: Điểm đ Khoản 1 Điều 38; Khoản 5 Điều 61; Khoản 3 Điều 68; Khoản 7 Điều 70; Khoản 3 Điều 75; Khoản 5 Điều 104; Khoản 3 Điều 146; Khoản 2 Điều 151; Khoản 3 Điều 167 của Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm:
1. Cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
2. Kiểm soát ô nhiễm môi trường đất.
3. Bảo vệ môi trường làng nghề.
4. Bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
5. Xác nhận hệ thống quản lý môi trường; bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường; xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
6. Ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.
7. Cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cải tạo, phục hồi môi trường là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực môi trường bị tác động về gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường, phục vụ các mục đích có lợi cho con người.
2. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường là việc tổ chức, cá nhân gửi một khoản tiền vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường địa phương (gọi tắt là quỹ bảo vệ môi trường) để bảo đảm trách nhiệm cải tạo, phục hồi môi trường của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khai thác khoáng sản.
3. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường là các giải pháp nhằm cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải và các yếu tố có hại trong chất thải.
5. Cơ sở xử lý chất thải bao gồm: Cơ sở xử lý chất thải nguy hại, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và cơ sở xử lý chất thải thông thường.
6. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường làng nghề được khuyến khích phát triển bao gồm hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải tập trung; hệ thống các điểm và phương tiện thu gom, tập kết, vận chuyển chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại; cây xanh tại các khu vực công cộng.
7. Công nghệ thân thiện với môi trường là công nghệ mà trong quá trình hoạt động, sử dụng gây hại ít hơn cho môi trường so với công nghệ tương tự.
8. Cơ sở thân thiện với môi trường là cơ sở đáp ứng các tiêu chí về sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nước, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải.
9. Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí nhãn sinh thái và được chứng nhận nhãn sinh thái.
10. Cộng đồng dân cư là cộng đồng người sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư.
Chương II

CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG VÀ KÝ QUỸ CẢI TẠO, PHỤC HỒI MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 4. Quy định chung về cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản
1. Mọi tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Phương án cải tạo, phục hồi môi trường phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch khai thác khoáng sản, quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường của địa phương.
3. Việc cải tạo, phục hồi môi trường phải được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.
4. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản tiếp tục thuê đất, hưởng các chính sách ưu đãi trong trường hợp cải tạo, phục hồi môi trường thành khu du lịch, khu sinh thái, khu vui chơi giải trí, phục vụ mục đích có lợi cho con người.
Điều 5. Đối tượng lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung
1. Các đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường (gọi tắt là phương án) bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản;
b) Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản nhưng chưa có phương án được phê duyệt hoặc chưa ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường;
c) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã có phương án được phê duyệt nhưng không triển khai thực hiện dự án trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm được phê duyệt thì phải lập lại phương án.
2. Các đối tượng phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung (gọi tắt là phương án bổ sung) bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân đã có giấy phép khai thác khoáng sản và phương án được phê duyệt nhưng thay đổi diện tích, độ sâu, công suất khai thác khoáng sản;
b) Tổ chức, cá nhân đề nghị thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được duyệt.
3. Các trường hợp sau không phải lập phương án:
a) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích ranh giới của dự án đầu tư xây dựng công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho xây dựng công trình đó;
b) Hộ gia đình, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình trong diện tích đó.
Xem thêm Tại đây

DMCA.com Protection Status